Thiết kế và phát triển Grumman_F7F_Tigercat

Hợp đồng chế tạo chiếc nguyên mẫu XF7F-1 được ký vào ngày 30 tháng 6 năm 1941. Mục đích của Grumman là nhằm chế tạo một chiếc máy bay có khả năng vượt hơn về tính năng bay và vũ khí trang bị so với tất cả những chiếc máy bay tiêm kích đang có, đồng thời có thêm được vai trò phụ tấn công mặt đất.[1] Trang bị vũ khí rất mạnh: bốn khẩu pháo 20 mm và bốn khẩu súng máy 12,7 mm (0,50 inch), cũng như các đế dưới cánh và dưới thân để mang bom và ngư lôi. Tính năng bay của nó đã đáp ứng các mong mỏi đặt ra, F7F Tigercat trở thành một trong những máy bay tiêm kích trang bị động cơ piston có tính năng bay cao nhất, với tốc độ tối đa vượt hơn mọi máy bay một động cơ khác của Hải quân Mỹ - 113,6 km/h (71 dặm mỗi giờ) nhanh hơn chiếc F6F Hellcat ở độ cao mặt biển.[2] Quan điểm của Trung tá Fred M. Trapnell, một phi công thử nghiệm hàng đầu của Hải quân, là "Nó là chiếc máy bay tiêm kích tốt nhất mà tôi từng lái." [3]

Tất cả những điều này có được với cái giá phải trả là trọng lượng nặng và tốc độ hạ cánh cao, nhưng nguyên nhân thực sự khiến nó không thể vượt qua thử nghiệm đánh giá sự tương thích đối với hoạt động trên tàu sân bay là độ ổn định hướng kém khi chỉ còn một động cơ hoạt động, cũng như là những vấn đề trong thiết kế móc hãm.[4] Do đó, loạt máy bay sản xuất đầu tiên chỉ được cho hoạt động từ các căn cứ trên đất liền bởi Thủy quân Lục chiến Mỹ, sử dụng nó như là máy bay tiêm kích bay đêm trang bị radar APS-6.[5] Ban đầu, phiên bản F7F-1N chỉ có một chỗ ngồi, nhưng kể từ chiếc máy bay được sản xuất thứ 34, một chỗ ngồi thứ hai dành cho người điều khiển radar được bổ sung và những chiếc máy bay này thuộc phiên bản F7F-2N.

Chiếc Tigercat được thiết kế để có được diện tích cản trước mặt rất nhỏ.

Phiên bản tiếp theo được sản xuất, kiểu F7F-3, được cải biến để khắc phục những vấn đề làm cho chiếc máy bay không được chấp nhận trên tàu sân bay, và phiên bản này lại được thử nghiệm trên chiếc tàu sân bay USS Shangri-La. Sự cố hỏng cánh do đáp xuống quá mạnh đã làm cho lần thử nghiệm này tiếp tục thất bại, nên phiên bản F7F-3 chỉ được sản xuất cho vai trò máy bay tiêm kích bay ngày và bay đêm và máy bay trinh sát hình ảnh.[6] Một phiên bản cuối cùng, kiểu F7F-4N, được tái thiết kế rộng rãi để tăng cường độ cứng và độ ổn định, cuối cùng cũng vượt qua được thử nghiệm tính tương thích cho tàu sân bay, nhưng chỉ có 12 chiếc được chế tạo.[6]

Sau này, một số chiếc Tigercat được sử dụng làm máy bay ném bom nước để chống cháy rừng trong những năm 19601970, và vì mục đích này có 12 chiếc còn sống sót cho đến nay, trong đó có sáu chiếc còn bay được. Có ít nhất ba chiếc F7F Tigercat còn đang được bảo quản trong các viện bảo tàng.

Chiếc Grumman F7F ban đầu đã từng được dự định mang tên là "Tomcat", nhưng cái tên này bị gạt bỏ vì bị cho là mang tính khêu gợi.[7] Tên này sau đó được đặt cho kiểu Grumman F-14.